*Truyện ngắn của ĐÔNG HÀ
(Báo Quảng Ngãi)- Sau một ngày lao động vất vả, đêm mùa hạ oi bức làm anh Cường không thể chợp mắt được. Nghe tiếng gà gáy canh ba, anh đã thức dậy rồi vội vàng ra cây rơm sau chái hiên nhà rút một bó thật to cho bò ăn để sáng mai con anh còn kịp lùa bò ra đồng cày ải vụ hè thu. Còn anh, sáng nay lo đón tiếp trên chục anh em ở đơn vị cũ sau bao năm xa cách giờ mới có dịp hội ngộ.
Gặp lại đồng đội một thời khói lửa, đạn bom, ai cũng vui mừng, họ ôm nhau, bắt tay nhau trong niềm xúc động. Anh Cường hàn huyên bên những người đồng đội năm xưa, lắng nghe mỗi người kể mỗi chuyện, về một trận đánh, về những chuyến đi trinh sát đầy cam go vào đồn bốt của địch, về sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Riêng anh Cường, sau 10 năm tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1975 hòa bình lập lại, anh Cường được về phép thăm gia đình. Anh và đồng đội vui mừng khi được đơn vị cho một chuyến xe đưa anh em về phía Bắc, nếu không phải đi xe tăng-bo mất ba đến bốn ngày đêm mới về được đến nhà, các anh người thì quê ở Vĩnh Phú, người quê ở Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng…
Quê anh Cường thuộc vùng trung du, nhà anh ở gần nông trường chè Vân Lĩnh, tỉnh Vĩnh Phú, thời kỳ chống Mỹ, ba mẹ anh đều là công nhân của nông trường. Khi chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội, bố anh nhập ngũ vào bộ đội tăng, thiết giáp tăng cường vào mặt trận Bình Trị Thiên, rồi đường 9 Nam Lào. Còn anh sau khi học xong cấp ba, thì mùa hè năm 1966 có lệnh gọi nhập ngũ. Anh khoác ba lô về một đơn vị bộ binh, sau sáu tháng huấn luyện quân trường, đơn vị anh lại nhận lệnh qua miền hạ Lào, rồi từ Lào chuyển về miền Đông Nam Bộ.
Ngày đầu đơn vị Cường về tỉnh Bình Phước phối hợp với bộ đội tỉnh, huyện đánh địch ở các đồn trú, chi khu quân sự của chúng. Nhiều trận địch phản công, càn quét dữ dội vào vùng giải phóng của ta bằng xe tăng, xe bọc thép, trên trời máy bay phản lực gầm rú thi nhau dội bom vào những chỗ chúng nghĩ có bộ đội ta trú ẩn; sau những trận bom hủy diệt là máy bay trực thăng quần đảo đổ quân xuống các cánh đồng cỏ khô cháy do bị bom đạn của chúng cày xới tan hoang. Anh Cường và đơn vị vẫn chiến đấu ngoan cường, có những trận đánh chống càn đầy cam go, ác liệt, đơn vị anh đã làm kẻ thù khiếp sợ. Ở tỉnh Bình Phước từ năm 1969 dến năm 1972, anh Cường đã cùng đơn vị đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Đáng nhớ nhất trận tiến công căn cứ điểm Lộc Ninh, đây là trận đánh thăng chốt tiêu hao nhiều sinh lực địch, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn. Sau chiến thắng Lộc Ninh, anh Cường và đơn vị đánh địch ở đường mười bốn, Đồng Xoài, giải phóng hoàn toàn quận lỵ và đường mười bốn, sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; anh Cường và đơn vị của anh đã góp phần to lớn vào giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975.
Anh Cường làm sao quên được chuyến về phép thăm nhà sau mười năm xa cách, lòng xốn xang, ngập tràn niềm vui, vui vì chiến tranh đã kết thúc và một niềm vui khác làm Cường hồi hộp lo lắng sẽ được gặp lại Sao Đêm- người con gái cùng quê mà anh yêu thương, đặt trọn niềm tin, hy vọng. Ngày anh lên đường tham gia vào bộ đội, cô ấy hứa sẽ đợi anh về, song liệu rằng mười năm biền biệt cô ấy có còn giữ lời hứa không? Nếu cô ấy bước sang ngang thì đó là nỗi buồn sâu lắng nhất đối với Cường ngày trở về. Suy nghĩ mông lung, cơn buồn ngủ ập đến làm Cường thiếp đi, chẳng biết xe đã chạy qua bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu chiếc cầu, bao nhiêu bến phà, bao nhiêu con sông, bao nhiêu thị xã.
Bỗng bác tài hô to: Đến Vũ Ẻn rồi có ai xuống không?
Cường choàng tỉnh: Bác tài cho em xuống đây ạ!
Lướt nhìn đồng đội, Cường bắt tay từng người và hẹn sau ngày phép sẽ gặp nhau ở đơn vị. Đồng đội ai cũng nói: Về quê cho tớ gửi lời thăm bố mẹ và người yêu nhé, chúc cậu hạnh phúc, mau có con bồng, cháu bế nhé! Anh Cường mỉm cười nheo mắt tinh quái nhìn đồng đội trước khi bước xuống xe.
Cuốc bộ gần 3 cây số, anh Cường về đến đầu làng. Anh lội qua con suối nhỏ, nước suối mùa thu mát lạnh làm tan biến cơn mệt mỏi trong anh, anh bước nhanh trên con đường làng, rồi vượt qua quả đồi cọ bạt ngàn trải dài xanh ngắt, nơi mà ngày trước anh cùng Sao Đêm và lũ bạn hay lùa trâu, bò vào vùng thung lũng để tránh bom, đạn Mỹ.
Trời nhá nhem tối, nghe tiếng chó sủa ngoài sân, bà Hậu chạy ra, bà không tin nổi, trước mắt bà thằng Cường đứa con trai cả đứng sừng sững trước cổng, vai mang ba lô, đầu đội mũ tai bèo, thổn thức gọi tên bà: Mẹ ơi! Con đây mà!
Bà Hậu xúc động lao đến ôm chặt lấy Cường khóc nức nở: Cường hỡi con! Con đã về với mẹ và gia đình rồi! Nghe ồn ào ngoài sân, ông Đông cha Cường từ nhà ngang chạy lên cùng với các em Cường, họ vây quanh Cường, người nắm tay, người sờ vai, còn ông Đông thì xoa đầu Cường và nói: Thế mới là con bố chứ, chiến tranh đã làm con trưởng thành nhiều rồi, con là đồng chí, đồng đội của bố mà, tuyệt quá!
Nói xong câu ấy, ông Đông cười ha hả, cả nhà kéo nhau vào ngồi trên chiếc phản đã lên màu đen bóng qua bao thời gian mà ông nội để lại. Đêm ấy, nghe bố kể về sự hy sinh của Sao Đêm ở đường Trường Sơn trong khi làm nhiệm vụ, lòng Cường đau như thắt, anh đã cố kìm nén trong lòng, nhưng nước mắt vẫn cứ chảy. Cường không ngờ sau ngày anh vào chiến trường thì hai năm sau Sao Đêm – người con gái anh yêu thương cũng lên đường vào lực lượng thanh niên xung phong, đi vào tuyến lửa Trường Sơn đầy khốc liệt và tại nơi ấy Sao Đêm mãi mãi không về.
Sáng hôm sau, anh Cường dậy thật sớm chạy ra chợ mua bó hoa cúc trắng và hoa quả đến nhà Sao Đêm. Vừa trông thấy anh bà cụ Thơm cất tiếng: Cháu về khi nào? Về phép có lâu không cháu? Bao giờ thì phục viên? Vừa hỏi, bà cụ Thơm vừa nắm tay đưa anh vào nhà.
Cử chỉ của cụ Thơm làm anh xúc động không nói nên lời, nhất là khi nhìn di ảnh của Sao Đêm trên bàn thờ; hình ảnh ấy sẽ sống mãi trong trái tim anh. Xin phép cụ Thơm, anh Cường lặng lẽ đặt hoa, trái cây lên bàn thờ, thắp ba nén nhang và cầu nguyện Sao Đêm từ miền đất xa xôi của đại ngàn chứng giám cho tấm lòng thủy chung, son sắt của anh, cầu mong Sao Đêm yên giấc ngàn thu.
Những ngày phép rồi cũng qua đi, anh Cường trở lại đơn vị trong lòng nặng trĩu lo âu về những ngày sắp đến. Một năm sau, anh Cường nhận giấy phục viên về gia đình, rồi vào làm việc trong ủy ban nhân dân xã. Với tinh thần và ý chí của người lính Cụ Hồ, anh đã làm việc hết mình, được bà con tin yêu và quý trọng tạo mọi điều kiện giúp đỡ anh vươn lên trong cuộc sống. Hai năm sau anh xây dựng gia đình với chị Hạnh người cùng thôn. Họ có với nhau ba đứa con, giờ các cháu đã trưởng thành, hai cháu gái công tác ở Hà Nội, duy nhất có Chung con trai đầu ở lại quê nhà nối nghiệp cha làm việc trong ủy ban nhân dân xã.
Cứ mỗi lần nhớ về đồng đội, nhớ Sao Đêm, anh Cường hay ngồi một mình nhâm nhi ly trà nóng dưới chái hiên nhà, ngắm nhìn trời đầy sao; anh nghĩ mỗi ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời đó là ánh mắt của Sao Đêm, ánh mắt của đồng đội đang dõi theo từng bước chân anh. Anh Cường luôn tâm niệm hãy sống thật tốt, hãy làm những việc có ích cho xã hội; xứng đáng với niềm tin yêu của Sao Đêm và những người đồng đội mãi mãi không về./.
Nguồn: