Home » Tin hữu ích » Dân Cày – tờ báo cách mạng đầu tiên ở Quảng Ngãi

Dân Cày – tờ báo cách mạng đầu tiên ở Quảng Ngãi

(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm sau khi Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời (21.6.1925), ở Quảng Ngãi mùa hè năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh được thành lập. 
 
Nhiệm vụ đầu tiên mà Tỉnh hội chủ trương là xuất bản báo để tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng. Vậy là, Báo Dân Cày xuất hiện!
 
Cuộc họp bí mật trên sông Trà Khúc
 
Chuyện kể rằng, vào một đêm mùa hè năm 1927, trên chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa dòng sông Trà Khúc, bốn chiến sĩ cách mạng tiền bối gồm: Nguyễn Thiệu (đại diện Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phụ trách Kỳ bộ Trung Kỳ), Trương Quang Trọng (Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh), Nguyễn Nghiêm, Hồ Độ tổ chức cuộc họp bí mật, cùng nhau nghiên cứu các tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Thiệu mang từ trung ương về. Sau khi đọc kỹ “Chương trình tối thiểu” và “Cương lĩnh đấu tranh” của Tổng hội, mọi người bàn đến phương pháp tổ chức phong trào cách mạng tại địa phương, trong đó có việc xuất bản một tờ báo để tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng. 

Trang 1 Báo Dân Cày (một số xuất bản năm 1933).                 Ảnh: HMĐ

Trang 1 Báo Dân Cày (một số xuất bản năm 1933). Ảnh: HMĐ

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nghiêm (sau này là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi) nêu ý kiến: Cuộc cách mạng vô sản là để giải phóng cho người nghèo. Nước ta hầu hết là dân cày nghèo. Nếu nông dân chưa giác ngộ, thì cách mạng thiếu chỗ dựa vững chắc. 
 
Tỉnh Quảng Ngãi không có nhà máy, đồn điền, quần chúng cách mạng chủ yếu là nông dân nên trước mắt phải lao động hóa đảng viên, nghĩa là đảng viên phải cày cuốc thật sự, biến mình thành người lao động ở nông thôn để tuyên truyền chủ trương của Tổng hội, giáo dục quần chúng dân cày. Ông Nguyễn Thiệu – sau này là một trong năm đại biểu tham dự Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập, nêu thêm kinh nghiệm giáo dục quần chúng ở một số tỉnh Trung Kỳ. Cuộc họp đi đến quyết định xuất bản tờ báo lấy tên Dân Cày, đặt cơ quan ấn loát tại làng Tân Hội, Phổ Phong, Đức Phổ.
 
Mặc dù mật thám Pháp và tay sai săn lùng ráo riết, nhưng báo Dân Cày vẫn được bí mật lưu hành. Thông qua Dân Cày, chủ nghĩa Mác – Lênin dần dần thâm nhập vào Quảng Ngãi. Nhờ đó, nhận thức của thanh niên, học sinh và quần chúng yêu nước dần được nâng lên, đẩy lùi khuynh hướng cải lương, phi vô sản. Từ đây, các tổ chức yêu nước xuất hiện ở Quảng Ngãi gia nhập hẳn vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
 
Tờ báo đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi
 
Tháng 3.1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi ra đời. Tỉnh ủy lâm thời được thành lập. Báo Dân Cày – cơ quan của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tiếp tục xuất bản và trở thành cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng bộ tỉnh. Dân Cày được Tỉnh ủy lâm thời giao nhiệm vụ in, phát hành và phổ biến rộng rãi các văn kiện của Đảng như: “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Lời kêu gọi” và các chủ trương của Tỉnh ủy. Cùng với các cuộc mít tinh, tuần hành, rải truyền đơn, treo cờ Đảng trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5 tại một số địa phương trong tỉnh, việc phát hành tờ báo của Đảng bộ gây được không khí phấn khởi trong nhân dân.
 
Qua một số ít báo Dân Cày còn lưu lại, có thể thấy hình thức và nội dung của tờ báo này như sau: Về hình thức, Dân Cày có khổ 9x15cm, chữ viết tay, mỗi số thường có 4 trang. Măng-sét trình bày không ổn định, lúc thì chữ Dân Cày viết in hoa, lúc viết chữ in thường. Trên măng-sét, dưới chữ Dân Cày cỡ lớn là hàng chữ nhỏ “Cơ quan của Chi bộ CS”. Về nội dung, mỗi số báo Dân Cày đều tập trung vào một chủ đề chính. Chẳng hạn, số ra ngày 20.11.1933, có câu chủ đề “Mục đích trấn áp của đế quốc chủ nghĩa là để làm cho tan rã tinh thần cách mạng”; số ra ngày 20.12.1933, có câu chủ đề “Bất cứ việc gì làm cũng phải tổ chức huống hồ là cách mạng”. Tên tác giả của hầu hết các bài báo trên Dân Cày đều viết tắt, nhiều bài không ghi tên tác giả.
 
Để động viên tinh thần đoàn kết của nhân dân cùng nhau đứng lên đánh đổ thực dân Pháp xâm lược, trong bài “Tay không chưn rồi mà làm cái gì được?”(số ra ngày 20.11.1933), báo viết: “Anh chị em phải biết, cây súng đồng không mạnh bằng sức đoàn kết của anh em mình đâu, vả lại, cách mạng là do lực lượng của số đông người chớ không phải một số ít người mà làm được. Dân cày có đoàn kết với vô sản và chịu vô sản lãnh đạo tranh đấu thì mới cướp chính quyền được. Phần đông dân số xứ Đông Dương là dân cày vô sản bị áp bức bóc lột rất tàn tệ. Cho nên giai cấp nông dân sớm giác ngộ lợi quyền đứng ra tranh đấu oanh liệt như mấy năm vừa qua làm cho bọn đế quốc, địa chủ, quan làng kinh tâm, tán đởm, ngày đêm lo sợ. Chúng ta tay không còn bọn nó nào trái phá, máy bay, súng liên thinh mà còn phải nể oai ta. Vì sao? Vì sức đoàn kết chúng ta thật mạnh, chí kiên quyết hy sinh ta đầy đủ làm cho bọn nó phải khiếp sợ”.
 
Với sự ra đời của báo Dân Cày vào năm 1927, tỉnh Quảng Ngãi trở thành địa phương xuất hiện sớm dòng báo chí cách mạng. Đây là mốc son, là niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo trên quê hương núi Ấn, sông Trà.
 
HÀ MINH ĐÍCH
 
 
 
.
Nguồn:

Check Also

Đi du lịch nghe bài chòi

Một số điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh đã đưa hoạt động biểu diễn …