(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, do nguồn kinh phí dành cho tôn tạo, tu bổ hạn chế, nên việc bảo tồn di tích gặp khó khăn, nhiều di tích đang bị xuống cấp, hư hại, thậm chí có nơi trở thành “phế tích”, khó phục hồi nguyên trạng.
Do chưa được đầu tư kịp thời, nên nhiều di tích cấp tỉnh ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện thiên tai bão lũ, thời tiết khắc nghiệt. Nhiều di tích chưa xác định khu vực bảo vệ và chưa được cắm mốc giới dẫn đến bị xâm phạm. Hàng chục di tích cấp tỉnh và một số di tích cấp quốc gia đang xuống cấp nặng nếu không được trùng tu, tôn tạo kịp thời sẽ khó giữ nguyên trạng.
Thắng cảnh Liên trì Dục nguyệt ở thị xã Đức Phổ đã được công nhận di tích cấp tỉnh nhưng giờ chỉ còn là một cái ao nhỏ ở giữa đồng.
Đối với di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đã có một số di tích bị xâm hại như: Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông, chùa Diệu Giác, Thành cổ Châu Sa, thắng cảnh núi Phú Thọ và Cổ lũy cô thôn. Nhiều địa điểm Trường Lũy đi qua các địa phương bị người dân lấn chiếm làm đất canh tác, trồng keo. Một số di tích cấp tỉnh như Xưởng quân giới X1002 người dân đã lấn chiếm lấy đất canh tác, chiến thắng Đá Bàn bị người dân lấn chiếm làm nhà ở, di tích Nhà lao Quảng Ngãi bị lấn chiếm đất, thắng cảnh La Hà (Tư Nghĩa) bị khai thác đá… Còn tại huyện Lý Sơn, một số di tích ở đây đã và đang xuống cấp nặng, đơn cử như di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình làng và nhà thờ tiền hiền An Hải.
Trưởng phòng VH-TT TX.Đức Phổ Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Trên địa bàn thị xã hiện có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư, tu bổ một số di tích. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nên nhiều di tích chưa thể trùng tu, tôn tạo.
Trước thực trạng nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích, nhất là các di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt để đề xuất UBND tỉnh phương án bảo quản, tu bổ trùng tu, để phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Sở VH-TT&DL, số lượng di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh cần đầu tư, tôn tạo khá nhiều, trong khi hạn chế về nguồn kinh phí. Một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí, để khắc phục những hạn chế trên, ngành văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi dự án trước đây thành Đề án “Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” trình UBND tỉnh xem xét.
Nếu được phê duyệt, thì hằng năm sẽ có nguồn lực dành cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa, tham mưu tỉnh thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào việc trùng tu, tôn tạo cũng như đầu tư vào các di tích, danh lam thắng cảnh có tiềm năng để phát triển du lịch.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
.
Nguồn: