Theo các bộ chính sử của Triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn và những trang sử liệu khác, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một vài đồn (bảo) ở miền tây Quảng Ngãi được Trấn quận công Bùi Tá Hán, vị quan trấn thủ vùng đất Quảng Nam xưa (bao gồm phần đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hiện nay) cho xây dựng để nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía tây của tỉnh Quảng Ngãi.
Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Đại Am Nguyễn Cư Trinh – người đã để lại cho vùng đất núi Ấn – sông Trà 10 bài thơ vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi, mà người đời sau thêm vào 2 bài nữa đề thành “Cẩm thành thập nhị cảnh” – cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác trên vùng đất này.
Trường Lũy Quảng Ngãi
Tuy nhiên, để có một Trường Lũy dài hàng trăm km, nối kết hàng trăm đồn (bảo) lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn – luỹ liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam đến phía bắc phủ Bồng Sơn tỉnh Bình Định, phải nhờ đến công sức của hàng ngàn binh lính và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Kinh, Hrê ở Quảng Ngãi cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tả quân Lê Văn Duyệt, người gốc làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí…, và cả những trang ghi chép của Nguyễn Tấn trong Phủ Man tạp lục, của Nguyễn Bá Trác (cùng Nguyễn Đình Chi, Khiếu Hữu Kiếu) trong Quảng Ngãi tỉnh chí, thì Trường Lũy thuở ấy dài 117 dặm, 115 bảo, mỗi bảo có khoảng 10 lính canh gác, nhằm kiểm soát việc qua lại và giao thương giữa hai vùng.
Hiện nay, sau khi đi khảo sát và nghiên cứu toàn bộ tuyến lũy trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 127,4 km Trường Lũy. Trong đó, trên đất Quảng Ngãi có 113 km, băng qua 08 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ, với 31 xã.
Tại huyện Trà Bồng, Lũy băng qua các xã, thị trấn: Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân, Trà Bùi;
Tại huyện Sơn Hà, lũy băng qua xã Sơn Hạ;
Tại huyện Sơn Tịnh, lũy qua các xã: Tịnh Đông, Tịnh Giang, Tịnh Hiệp;
Tại huyện Tư Nghĩa, lũy qua các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ;
Tại Minh Long, lũy qua các xã: Long Sơn, Long Mai;
Tại huyện Nghĩa Hành, lũy qua các xã: Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh, Hành Thiện, Hành Tín Tây, Hành Tín Đông;
Tại huyện Ba Tơ, lũy qua các xã: Ba Động, Ba Thành, Ba Liên, Ba Khâm;
Tại huyện Đức Phổ lũy qua các xã: Phổ Nhơn, Phổ Ninh, Phổ Hòa, Phổ Cường.
Một số đoạn lũy tiêu biểu, như các đoạn lũy ở xã Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Bình (huyện Trà Bồng), Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa), Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành), Ba Động (huyện Ba Tơ)…
Qua khảo sát từ thực địa, hiện có hơn 70 đồn (bảo) còn tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành); di tích Rùm Đồn (Rừng Đồn) và di tích Đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành)…
Trường Lũy là một công trình kiến trúc hùng vĩ còn tương đối nguyên vẹn, chạy dài gần hết chân dãy Trường Sơn Đông thuộc địa phận Quảng Ngãi. Hầu hết là lũy, bảo được xây hoàn toàn bằng đá, một số đoạn bằng đất hoặc có gia cố vừa đất, vừa đá. Độ cao trung bình của lũy là 2 m, đáy trung bình 4 m, bề mặt trung bình 1m. Các đồn (bảo) phần lớn hình chữ nhật có chiều dài mỗi cạnh phổ biến 25 đến 30 mét, độ cao trung bình tường đồn 4m, đáy 5m, bề mặt trung bình 1m. Ở những vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế có những đồn lớn, có diện tích hàng chục héc ta như Thiên Xuân, Kim Thành…(huyện Nghĩa Hành). Dọc theo lũy còn có các con đường cổ, hào và có các chợ phiên nằm lân cận.
Vì vậy, theo các nhà khoa học, Trường Luỹ – đồn (bảo) không chỉ có chức năng bảo vệ mà còn có chức năng giao thương kinh tế, trao đổi văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Qua nghiên cứu thực địa cũng cho thấy, Trường Luỹ không phải khép kín mà vẫn chừa nhiều cửa, đảm bảo giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hoá từ lâu đời giữa người Kinh và người Thượng góp phần ổn định đời sống của người dân và sự phát triển của kinh tế đất nước.
Trường Luỹ là một di tích kiến trúc, bao gồm các yếu tố: Thành luỹ – đồn (bảo) – đường cổ, có giá trị văn hoá đặc biệt, là công trình kiến trúc không chỉ dài nhất Việt Nam, còn còn dài nhất vùng Đông Nam Á, có nhiều đồn bảo nhất, đa dạng về chất liệu, có cấu trúc độc đáo, là biểu tượng cho công sức lao động và đầy sáng tạo của nhân dân trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, là một tài nguyên du lịch đầy hấp dẫn.
Di tích Trường Luỹ gắn với đồn/bảo, hợp cùng hệ thống sông suối, núi non, ruộng đồng, nương rẫy, rừng cây bao phủ đã tạo lên một quần thể di tích kiến trúc hoà quyện với thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội nghiên cứu lớn lao, là một địa chỉ hấp dẫn nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời còn chứa đựng một tiềm năng du lịch lớn của tỉnh Quảng Ngãi trên con đường Di sản miền Trung Việt Nam.
Câu chuyện về Trường Lũy chắc chắn sẽ còn kéo dài. Đã có những ý kiến trao đổi và góp ý chân thành, thẳng thắn xoay quanh việc đánh giá giá trị lịch sử – văn hóa của di tích Trường Lũy. Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng rằng, bằng sự nỗ lực nghiên cứu đa ngành, liên ngành của các nhà khoa học trong thời gian tới, việc đánh giá giá trị của di tích sẽ ngày càng đầy đủ hơn về mọi mặt. Và chúng tôi cũng tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích (và cùng với nó là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên quanh di tích) của các cấp, các ngành, đặc biệt của nhân dân trong tỉnh, nhân dân sống dọc quanh di tích Trường Lũy, đồn (bảo), sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh trong khu vực, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, nối kết với các khu, các điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Ngãi cũng như của miền Trung, của cả nước, thậm chí còn nối kết với nhiều tuyến du lịch khác trên thế giới, sẽ sớm trở thành hiện thực./.