Home » Tin hữu ích » Về đạo sắc phong thần thời Tây Sơn cho Bùi Tá Hán

Về đạo sắc phong thần thời Tây Sơn cho Bùi Tá Hán

Trong những năm qua, chúng tôi đã tìm thấy hàng chục bản sắc phong (thần) ban cho nhiều làng xã trong tỉnh Quảng Ngãi thờ phụng Bùi Tá Hán. Trong số các sắc phong này, thì sắc phong cổ nhất là sắc phong thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn và cũng là sắc phong thần cổ nhất tìm thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Người có công lớn trong việc bình định vùng đất phía Nam
 
Hầu hết các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về Bùi Tá Hán. Tuy nhiên, chỉ có hai bộ chính sử là Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí và Phủ man tạp lục của Nguyễn Tấn là có ghi chép riêng về tiểu sử Bùi Tá Hán. Theo các tài liệu này, thì Bùi Tá Hán là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, làm quan triều Lê Anh Tông, được phong đến chức Bắc quân Đô đốc phủ, Chưởng phủ sự, Tổng trấn Quảng Nam (bao gồm vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên hiện nay), tước Trấn quận công. Ông có công trong việc “phù Lê, diệt Mạc”, hỗ trợ cho Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhận Thuận Hóa từ năm Mậu Ngọ (1558). Khi làm quan, Bùi Tá Hán chỉ cốt ban ân huệ để vỗ yên quân dân ở vùng đất cực nam của nước ta lúc bấy giờ, nên được dân chúng nhiều triều đại suy tôn, ngưỡng vọng, thờ phụng. Ông ốm nặng và mất vào năm Mậu Thìn (1568).
 
Ngoài hai bộ sử nêu tiểu sử Bùi Tá Hán ở trên, trong các bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư (khắc in 1697), Đại Việt thông sử (1759), Phủ biên  tạp lục (1776), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (biên soạn từ 1856 đến 1884), đều có ghi chép ít nhiều về Bùi Tá Hán. Sau này, các bộ Đồng Khánh địa dư chí (biên soạn dưới thời Đồng Khánh, hoàn thành dưới thời Thành Thái), Phủ Man tạp lục (Nguyễn Tấn, 1898), Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác và các tác giả, 1933)… còn nói đến cả đền, miếu, lăng mộ Bùi Tá Hán.

 

Bản sắc phong thần thời Tây Sơn ban cho Bùi Tá Hán.                      Ảnh: Đăng Vũ

Bản sắc phong thần thời Tây Sơn ban cho Bùi Tá Hán. Ảnh: Đăng Vũ

Trong tập tài liệu viết tay có tên gọi là Phủ tập Quảng Nam ký sự, được các ông Lê Đăng Hiển sao chép lại vào thời Minh Mạng, ông Lê Viết Hòa sao lại lần nữa vào thời Duy Tân, cho biết người viết sách này là một người họ Mai, viết vào thời Lê Anh Tông, niên hiệu Chính Trị (1550 – 1571), thì tiểu sử của Bùi Tá Hán được ghi chép khá chi tiết, kể cả về năm sinh của ông (năm Bính Thìn – 1496), về quê quán Hoan Châu (Nghệ An), về hành trạng của ông trong việc thực thi các chính sách, bao gồm: Chính sách cho binh lính và dân di cư, chính sách vỗ yên dân chúng vùng Kinh – Thượng, chính sách hòa hiếu với người Chăm ở vùng biên giới… Tuy nhiên, theo lời người phụng sao lần cuối là Lê Viết Hòa, thì vì “cố bảo tồn di tích của cổ nhân”, nên khó tránh khỏi nạn “tam sao thất bổn”. Bởi vậy, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về tập tài liệu này.
 
Dĩ nhiên, về sau nữa, còn có những tài liệu đề cập ít nhiều, hoặc riêng về Bùi Tá Hán, mà ở đây chưa có dịp đề cập, nhưng hầu như đều dựa trên các tài liệu vừa nêu, kể cả tài liệu nước ngoài.
 
Ở đây, có một vài chi tiết đáng lưu ý: Bùi Tá Hán được phong tước Quận công hay Quốc công? Nhiều tài liệu chỉ viết Bùi Tá Hán chỉ được phong tước Quận công, nhưng trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn lại ghi: “Anh Tông, năm Chính trị thứ 1 (1558), Mậu Ngọ, Thế tổ Thái vương (Trịnh Kiểm) sai Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa để phòng giữ giặc phía đông, cùng với Trấn thủ Quảng Nam Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán) cứu giúp lẫn nhau, việc địa phương không cứ lớn nhỏ, quân dân, thuế khóa đều giao cho cả” (Lê Quý Đôn toàn tập, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.47”.
 
Cũng từ ghi chép của Lê Quý Đôn mà chúng ta có thể hiểu về quyền lực đối với vùng đất phía Nam, thì vai trò của Nguyễn Hoàng và Bùi Tá Hán ngang nhau và Bùi Tá Hán cũng không phải là người dưới trướng Nguyễn Hoàng.
 
Điều khẳng định này không chỉ dựa theo Phủ biên tạp lục, lẫn Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, mà còn dựa theo các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, lẫn các bộ chính sử triều Nguyễn. Các bộ sách này đều có ghi chép mốc thời gian Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa từ năm 1558, còn Búi Tá Hán đã làm Trấn thủ Quảng Nam trước đó, dù chưa rõ là năm nào. Có tài liệu ghi ông vào trấn nhậm ở Quảng Nam vào năm 1540, có tài liệu ghi vào năm Ất Tỵ (1545).Năm Mậu Thìn (1568), Bùi Tá Hán mất, Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quýnh được cử vào thay. Nhưng đến năm Chính Trị thứ 13 (1570), vua Lê lại triệu Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An, và sai Nguyễn Hoàng kiêm chức hai xứ Thuận và Quảng. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn còn nhấn mạnh: “Họ Nguyễn gồm có 2 xứ là tự bấy giờ” (Phủ biên tạp lục, tlđd, tr.50).
 
Từ những điều nêu khái lược trên, có thể thấy, Bùi Tá Hán chính là một trong những người có công đầu rất to lớn trong việc khai mở vùng đất phía Nam. Nếu không có Bùi Tá Hán, thì khó có thể nói đến việc mở rộng cương vực lãnh thổ ở phía Nam ở những thế kỷ sau này. Bởi nước ta vào thời Lê Trung hưng, cương vực lãnh thổ ở phía Nam do Đại Việt cai quản chủ yếu chỉ đến huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn (nay là Bình Định), còn phần đất Phú Yên hiện nay, lúc đó chỉ trên danh nghĩa là đất của Đại Việt, nhưng người Chăm vẫn cai quản.

 Trong thời gian tới, ngoài việc cần thiết phải trùng tu di tích đền Bùi Tá Hán, thì cũng cần tiếp tục hỗ trợ các công trình nghiên cứu kỹ hơn, để làm rõ hơn về tiểu sử, công trạng to lớn của ông đối với đất nước. Và không những thế, cũng cần tổ chức các cuộc hội thảo nhằm đánh giá công lao các bậc tiền nhân khác ở Quảng Ngãi – những người đã có nhiều công lao đối với non sông đất nước. Cùng với đó là tiến hành khảo sát hiện trạng những di tích liên quan, để tiếp tục trùng tu, tôn tạo.

Vài nhận xét bước đầu

 
Trong quá trình điền dã, chúng tôi đã tìm thấy hàng chục sắc phong thời vua Minh Mạng đến vua Khải Định ban cho các làng xã trong tỉnh Quảng Ngãi thờ phụng Bùi Tá Hán, như cho làng Hòa Dương (3 sắc); làng Thi Phổ (1 sắc), làng Thanh Long (1 sắc), đều thuộc huyện Mộ Đức; cho người Hoa xã Minh Hương, Tư Nghĩa (4 sắc)… Riêng tại đền Bùi Tá Hán hiện còn 23 đạo sắc phong thần, trong đó có 9 sắc ban cho thờ phụng Bùi Tá Hán… Hầu hết các sắc phong này, tại đền Bùi Tá Hán và ở các địa phương khác, được ban từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định. Duy nhất có 1 bản sắc thời Tây Sơn, đời vua Cảnh Thịnh.
 
Về hình thức, so với các bản sắc thời Minh Mạng về sau, có kích cỡ thường là chiều ngang 120cm, chiều cao50cm, bản sắc phong thần cho Bùi Tá Hán có kích cỡ lớn hơn, chiều ngang đến 145cm, cao 60cm. Nền sắc phong được trang trí hình long ẩn ở trung tâm, chung quanh bao bọc tinh tú, 4 góc có hoa văn chữ Thọ. Trên dòng niên đại có đóng chữ triện “Tiên Nhu Chi Bảo”, màu đỏ, cạnh 15,2cm x 15,2cm.
 
Về nội dung, nội dung sắc phong là ca ngợi công đức của Bùi Tá Hán đối với non sông, đất nước, được nhân dân khắp nơi ngưỡng vọng, thờ phụng; các triều trước đã ban tặng là Thái bảo Trấn Quận công, được sắc phong là tôn thần với các mỹ tự Thành cảm Địch nghị Uy vọng Huân đức Chiêu hựu Mậu tích, nay truy phong, gia tặng thêm 2 mỹ tự nữa là Tuyên uy Phổ hóa Tôn thần.
 
Từ nội dung bản sắc thần này, có thể thấy, những ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí về Bùi Tá Hán là hoàn toàn phù hợp với nội dung bản sắc phong này. Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Bùi Tá Hán được gia phong là Khuông đức, Tịnh biên, Thụ đức Thượng đẳng thần. Các đời vua kế tiếp, lại tặng thêm nhiều mỹ hiệu, như Mậu công, Huy liệt, Trác vĩ Thượng đẳng thần.
 
Từ việc phong thần này, có thể thấy, Bùi Tá Hán là một trong ít vị công thần, một vị nhân thần, không chỉ được các triều vua nhà Nguyễn được phong tặng nhiều mỹ hiệu cao quý, với thần hiệu Thượng đẳng thần; mà còn cả triều Lê, triều Tây Sơn trước đó.
 
Nhưng Bùi Tá Hán không chỉ được thờ phụng ở đền thờ mang tên ông ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện nay, ở nhiều nơi trong tỉnh, ngoài huyện đảo Lý Sơn, lẫn trên vùng đồng bào thiểu số miền núi (như Nguyễn Tấn ghi chép trong Phủ Man tạp lục), mà ở nhiều địa phương trong cả nước, như ở đền Tam Thanh (Đà Nẵng), đền Nam Chơn (TP.Hồ Chí Minh), các đền miếu ở Đồng Nai… Chưa kể đến hằng trăm bản văn tế có xướng danh Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán mà chúng tôi tiếp cận được ở các tỉnh phía Nam.
 
Sắc thần, quả thật không chỉ là một bảo vật thiêng liêng của làng xã, đền miếu, mà còn là một chứng cứ lịch sử, một di sản văn hóa vô cùng quý giá.

Phiên âm:
Sắc Khâm sai Bắc quân Đô đốc chưởng phủ sự tặng Thái bảo Trấn Quận công Thành cảm Địch nghị Uy vọng Huân đức Chiêu hựu Mậu tích Tôn thần. Năng bảo quốc trạch dân, tiền sở đảo kỳ, lũ đa linh ứng. Phương kim phủ tòng dư vọng, quang lý phi đồ, viên phu hạp cảnh tân ân, tứ tặng Tôn thần hiển hiệu, khả truy phong Khâm sai Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tặng Thái bảo Trấn Quận công Thành cảm Địch nghị Uy vọng Huân đức Chiêu hựu Mậu tích Tuyên uy Phổ hóa Tôn thần. Cố Sắc.
Cảnh Thịnh tứ niên ngũ nguyệt nhị thập nhất nhật.
 
Dịch nghĩa:
Sắc cho Khâm sai Bắc quân đô đốc chưởng phủ sự (từ trước đã được) ban tặng là Thái bảo Trấn Quận công Thành cảm Địch nghị Uy vọng Huân đức Chiêu hựu Mậu tích Tôn thần. Luôn giữ nước giúp dân, trước thường cầu đảo, nhiều lần linh ứng. Mà nay khắp nơi dân chúng ngưỡng vọng, rạng rỡ cơ đồ lớn lao, nên rộng mở ân điển khắp cõi, nay truy tặng hiển hiệu bậc Tôn thần, vậy đáng truy phong làm Khâm sai Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tặng Thái bảo Trấn Quận công Thành cảm Địch nghị Uy vọng Huân đức Chiêu hựu Mậu tích Tuyên uy Phổ hóa Tôn thần. Vì thế ban sắc.
Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1795), ngày 21 tháng 5.

 

TS.NGUYỄN ĐĂNG VŨ     
 
 
.
Nguồn: Baoquangngai.vn

Check Also

Đi du lịch nghe bài chòi

Một số điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh đã đưa hoạt động biểu diễn …