Home » Tin hữu ích » Viết ở lưng đồi –

Viết ở lưng đồi –

(Báo Quảng Ngãi)- Con đường tắt từ sườn phía nam, chừng mười lăm phút bước đi chậm rãi, lữ khách sẽ đến lưng đồi Thiên Ấn. Chỉ chưa đầy mười phút nữa là có thể nhìn thấy bóng dáng ngôi cổ tự lặng lẽ, u trầm lẩn khuất sau vòm xanh cây lá.

Từ đây, một vùng thiên nhiên rộng lớn mở dần ra trước tầm nhìn thoáng đạt. Dòng nước sông Trà Khúc lượn lờ, uốn khúc như một dải lụa màu xanh lơ, thấp thoáng ánh nắng chiều. Gió nồm miên man thổi từ phía biển tạo thành những lượn sóng chập chờn đuổi nhau trên thảm xanh bãi bắp ven sông, chạy từ Sung Tích về Ân Phú. Cầu Trường Xuân, cầu Trà Khúc như xích lại gần hơn. Gần hơn là cầu Trà Khúc mới, nối làng An Bường thanh bình bên bờ bắc với bến Tam Thương đầy ký ức lịch sử ở bờ nam. Và đây nữa, cầu Cổ Lũy. Cây cầu giây văng dài gần 2km, rộng thênh thang, nối đôi bờ cửa Đại, vừa là mạch giao thông quan trọng, có thể mở ra cơ hội phát triển kinh tế – du lịch khu vực phía đông TP.Quảng Ngãi, vừa là một điểm nhấn của một vùng sông biển giao hoà, đẹp tựa bài thơ. 

Thiên Ấn trong sương.                                        Ảnh: LHK

Thiên Ấn trong sương. Ảnh: LHK

Đưa mắt nhìn theo dòng sông xanh lờ lững. Đồi núi Sứa bên này, đồi núi Ông bên kia trở thành chơi vơi nhỏ bé trước chập chùng núi non cao thấp phía trời tây. Nắng chiều lấp lánh rơi trên sườn núi. Mây Trường Sơn vào cuối một ngày đẹp trời lô nhô trắng đục, biến hoá muôn hình: Khi là bầy thú lạ vờn nhau giữa bao la trời đất, khi là những nàng tiên phất phơ tay áo, tha thướt giữa muôn trùng. Có phải những cảnh non tiên, đồi phượng kể trong sách cũ, chuyện xưa là hình dung của con người khi ngắm mây trời? Hay chăng non bồng nước nhược là mây trời linh ứng, mượn cảnh quần tiên làm vui đôi mắt nhân gian?
 
Chợt ngoảnh đầu nhìn lại: Long Đầu hý thuỷ. Ai đã đặt tên cho dãy đồi này? Một tửu đồ chếnh choáng men say, nhìn đồi thấp, đồi cao ngỡ như con rồng có thật lao nhanh về phía bến sông? Hay một chàng thư sinh, bầu rượu, túi thơ, lững thững bước chân phiêu lãng trên con đường nhỏ, nhìn trời, nhìn đất mà ngâm lên mấy vần thơ ngợi ca sơn thuỷ hữu tình? Hay chỉ là một anh nông dân đang cày ruộng dưới chân đồi, dừng đôi trâu tạm nghỉ, uống cạn bát nước chè xanh, ngả lưng trên thảm cỏ, nhìn qua lớp khói xanh đậm của điếu thuốc vấn Bộng Chình, say sưa ngắm ruộng đồng, đồi núi, rồi hứng chí đặt tên cho một dãy đồi?…
 
Dẫu mấy ngàn năm, dẫu núi sông biến cải, người sông Trà vẫn vững vàng qua bão táp, nắng mưa. Một vua Nam Chiếu ngã xuống với quê hương lại có lớp lớp những anh hùng có tên và không tên, lấy máu mình tô son lịch sử, lấy mồ hôi tưới những đồng nà màu mỡ Tịnh Long, Nghĩa Hà, Nghĩa Dõng, Thọ Lộc, Hà Tây. Chiều về lộng gió, đàn diều giấy của những chú bé tung tăng trên cánh đồng vừa gặt dưới chân núi kia, như những dòng nhạc nối đất với trời, nối ước mơ vào vô biên tạo hoá.
 
Từ lưng đồi Thiên Ấn, “đệ nhất thắng cảnh” Quảng Ngãi, quay nhìn sang phía bên kia, bờ nam hạ lưu sông Trà Khúc. Thành phố tỉnh lỵ Quảng Ngãi nằm giữa một vùng trời đất phong quang. Phố phường, nhà cửa ẩn hiện cùng cây xanh bóng lá, thật xứng với tên gọi Cẩm Thành. Núi Long Đầu, núi Thiên Mã từ tả ngạn chồm sang hữu ngạn, mang theo bao câu ca dân gian chan chứa tình đất, tình người. Những nhánh rẽ của dãy Trường Sơn lừng lững phía tây chênh chếch chạy nghiêng về phía biển. Sông Trà, Biển Đông, Thiên Bút… hoà hợp trong một thế đất trăm đôi phượng hoàng xây tổ, ngàn con khổng tước tụ hội về chầu.
 
Nhìn ngắm, suy tư, lại nhớ về các thầy địa lý ngày xưa, những cụ già có ba chòm râu bạc, chống gậy trúc, di gót lữ hành, trèo lên núi cao, dò xem phong thổ mà lần tìm mạch đất. Chẳng biết đã có mấy lần các vị đến nơi này, nhìn ngắm núi sông mà cất cao chén rượu, say sưa vui cùng đất nước? Làm sao nhớ hết những ai đã một lần nhắp chén trà thơm, nhìn lên bầu trời mà buông ra câu sấm đoán mệnh núi sông? Có lẽ hồi đó những bậc tiên nhân chỉ thích mải mê vui chơi cùng sơn thuỷ mà không muốn để lại tên mình trong miên viễn thời gian. Chỉ biết rằng, lâu lắm về sau, một nhà thơ, ghé về Quảng Ngãi, đặt tiệc rượu trên Sông Trà tiễn bạn, cùng ngắm trăng thu. Những câu thơ ngày ấy, hoà trong tiếng sóng, âm vang còn vọng đến bây giờ: Đời người gặp gỡ khó khăn. Rượu đây thả cửa say trăng sông Trà (Nhân sinh hội ngộ vô khả thường, hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt – Cao Bá Quát).
 
Nếu thiên, địa, nhân nằm trong một quan hệ tương hợp thì tại sao con người lại không biết đi tìm một nơi trời đất, núi sông tốt đẹp để xây dựng cơ đồ. Chọn đất Phong Châu, hổ cuộn rồng chầu làm nơi dựng nghiệp, vua Hùng hẳn đã có tầm nhìn quán thông thiên địa. Nhận ra mạch đất Thăng Long hưng thịnh muôn đời làm chốn định đô, Lý Công Uẩn xứng đáng là anh minh thiên tử. Thuận theo lời Trạng Trình, lánh về phía nam Hoành Sơn xây dựng cơ đồ, Nguyễn Hoàng quả là anh hùng cái thế, lấp bể dời non. Những con người nổi tiếng ấy cũng chính là các thầy địa lý, quay lui trông vạn dặm, nhìn tới thấu ngàn đời, trở thành bậc hào kiệt lưu danh thiên cổ.
 
Và đây, những dòng chữ của một bộ óc bách khoa, một “nhà địa lý” lừng danh Triều Nguyễn, cụ Mai Phong Phan Huy Chú: “Phủ Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi ngày nay)… về mạn thượng du, núi kéo ngang liền nhau; mạn dưới giáp biển lớn, khoảng giữa địa thế rộng thoáng… Ba huyện của cải giàu thịnh, thóc lúa không biết đâu mà kể, vàng, bạc, gỗ, châu báu, trầm hương, tốc hương đều rất quý, rất tốt. Voi ngựa cũng nuôi rất nhiều. Lại có đảo lớn đảo nhỏ ở ngoài biển, cảnh vật tốt đẹp, những vật lạ đều ở đấy cả” (Lịch triều Hiến chương loại chí).
 
Thiên thời, địa lợi là thế, còn ai là người đến đây đầu tiên khai phá đất đai để có được “nhân hoà”? Những người lính trong đoàn quân nhà Hồ năm 1402  vượt qua Hoá Châu, đặt chân lên vùng Chiêm động, Cổ Luỹ hay các tướng sĩ dưới trướng vua Lê Thánh Tông vào đến Thể Cần, lao Ré rồi ở lại từ năm 1471? Những gia đình hào phú nghe lời kêu gọi của triều đình, dắt díu gia nhân từ phương bắc vào đây mở đất lấy ruộng cày, hay mấy kẻ tội đồ bị đưa đến chốn rừng xa, núi lạ?…
 
Người Quảng Ngãi ngày nay, ắt hẳn là con cháu của các bậc tiền nhân như thế, những con người thầm lặng, ngày đêm bạt núi ngăn sông, nối vòng tay ân tình sau trước, cùng xây dựng quê hương núi Ấn, sông Trà.
 
LÊ HỒNG KHÁNH
 
 
 

Nguồn:

Check Also

Đi du lịch nghe bài chòi

Một số điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh đã đưa hoạt động biểu diễn …